Đây là tiến độ tập ăn của Mít:
Giai đoạn sơ kỳ: (5-6 tháng)
5 tháng: bắt đầu tập ăn dặm, tập từ 1 thìa cháo trở đi (1 thìa là 5 ml). (Tăng dần lên từng thìa, cho đến khi ăn được 6 thìa = 30ml).
Cháo trắng nấu tỷ lệ 1:10 (1 gr gạo 10ml nước). nghiền nhuyễn, rây qua lưới, (hoặc xay cũng được), không nêm gì hết.
Giai đoạn này thực chất chỉ là tập ăn, tập làm quen với thìa, tập nuốt. Còn lượng ăn rất ít, vẫn ăn sữa như bình thường.
6 tháng: Chính thức ăn dặm. Gọi là chính thức nhưng mỗi bữa vẫn chỉ 40ml thôi, thêm 10-15ml rau. Sữa vẫn là chính. Ăn cháo xong uống bù thêm sữa tùy nhu cầu. So với các bạn ở VN thì cực ít, nhưng mẹ cháu vẫn hỉ hả lắm... Nếu bát cháo 200ml theo công thức của VN chắc chắn Mit chán không ăn hết.
Mỗi bữa tổng cộng khoảng 60ml (40ml cháo, 15ml rau).
Cháo bánh mỳ, chỉ nghiền bằng tay, không rây nữa
6.5 tháng: Khi bé đã quen với thìa, biết nuốt, tầm 6-6,5 tháng, bắt đầu không rây nữa (tương đương với không dùng máy xay nữa). Cháo nghiền cho hạt vỡ ra (hoặc nấu từ cháo gạo vỡ). Tỷ lệ vẫn là 1:10.
Mẹ cháu được một người bạn từ VN sang cho 1 túi gạo vỡ. Ko biết là cỡ bao nhiêu, chỉ biết hạt rất nhỏ, như hạt tấm thôi. Mấy ngày đầu thì mẹ cháu nấu xong lại đem nghiền thêm 1 chút nữa. Sau đó khoảng 1 tuần thì cũng không nghiền nữa. Túi gạo 0,5 kg, ăn hết là khoảng 2 tuần, cũng vừa vặn tốt nghiệp cháo gạo vỡ.
Khoảng 6 tháng 3 tuần, Mít ăn cháo gạo vỡ, lổn nhổn thế này:
Đến cuối giai đoạn sơ kỳ, chỉ nghiền sơ sơ. (tương đương với cháo hạt cỡ to)
Ở Nhật có bộ đồ chế biến ăn dặm, và họ không dùng máy xay. Theo kinh nghiệm mẹ Ổi đã từng dùng máy xay với Ổi và lần này dùng bộ chế biến tay với Mít thì dùng máy xay rất khó để điều chỉnh độ thô. Để chuyển đổi từ dạng xay nhuyễn sang dạng thô hơn thì nên dùng gạo vỡ (nếu bé khó khăn thì nghiền thêm bằng cối nghiền). Máy xay hoặc là nhuyễn hẳn, hoặc là vẫn có chỗ thô quá, bé dễ ọe.
Giai đoạn Giữa kỳ (7-8 tháng)
Mít về VN đến 8,5 tháng mới quay lại Nhật, trong thời gian ở VN mẹ cháu không chụp ảnh món ăn nên không có tư liệu.
Tiến độ tập ăn thì thế này
Đầu giai đoạn giữa kỳ
7 tháng 1 tuần: Cháo hạt loãng 1 gạo 8-10 nước. Thịt xay. Rau luộc chín rồi dùng dụng cụ chế biến ăn dặm để mài (thô hơn xay 1 tý).
8 tháng: cháo hạt đặc hơn, 1 gạo 7 nước. Thịt vẫn xay. Rau băm.
Với độ nhão này, Mít vẫn nuốt chửng thức ăn. Nhưng về khả năng nuốt thô thì ổn. Cháo hạt 1:7 khá đặc, rau lá mẹ băm nhỏ, Mít ăn và nuốt rất tốt
8,5 tháng: Chuẩn bị sang giai đoạn sau, Cháo hạt đặc hơn nữa: 1 gạo 5-6 nước.
Là lá la la... Mít bắt đầu có phản xạ nhai rất rõ rệt.
Có sách trong tay, có kinh nghiệm các bé ở Nhật xung quanh mình, mẹ mạnh dạn hơn, và mẹ phát hiện ra thêm một niềm vui tuyệt vời nữa, mà hồi nuôi Ổi mẹ chưa biết đến, là mỗi phát triển của con trong sự nghiệp tập ăn. Hầu như là mỗi tuần Mít đều có tiến bộ. Hầu như mỗi ngày con đều làm cả nhà cười sung sướng. Này nhé. Mấy hôm trước thì xoài, đu đủ, chuối phải dùng thìa nạo, vài hôm sau đã ăn được miếng xắt 1-2 mm. Vài hôm nữa lại miếng to hơn. Cùng 1 món mà bố mẹ liên tục bất ngờ vì những tiến bộ của em. Lúc thì đi ăn hàng với bố mẹ, em đã có thể ăn từng mẩu xúp lơ xanh đến hết cả bông lơ của anh Ổi. Lúc thì sáng đòi ăn mì tôm, sợi dài em mút tụt vô miệng chén ngon lành... làm cả nhà cứ mắt tròn mắt dẹt ... Em nuốt thô ngày càng thành thạo. Nhai bằng lợi ngày càng giỏi hơn.
Mít còn biết hút bằng ống hút nữa rồi nhé. Ai lại cứ xúc từng thìa nước nữa, chẳng ra dáng tý nào. Sau mỗi bữa ăn bây giờ em cầm cốc tu vài phút là hết tiêu 50 ml nước hoa quả.
(Về kinh nghiệm tập cho uống ống hút: Mấy ngày đầu Mít chỉ biết cắn cắn chơi chơi, thỉnh thoảng mút 1 cái, chẳng may có tý nước vào miệng. Nhưng bữa nào mẹ cháu cũng dọn ra, cho Mít quen dần. Khoảng 1 tuần là Mít hiểu, trong cái cốc đó có nước. Nếu mút thì sẽ được nước vào mồm)
. Thịt băm, Răm xắt nhỏ. Hoa quả mềm như đu đủ, xoài xắt nhỏ 2 mm.
Giai đoạn Cuối kỳ
9 tháng: Bây giờ thì Mít đã ăn thô giỏi lắm rồi. Có vẻ như Mít đã rất sẵn sàng để ăn cơm như của bố mẹ... Mít cực kỳ thích ăn cơm người lớn. Bố tham hay cho cả thìa cơm mà Mít cũng ăn vèo cái hết. (cơm gạo Nhật mềm và dẻo mà). Lại rất thích thức ăn của bố mẹ. Bữa cơm của cả nhà là Mít phải lượn 1 vòng bằng hết các món thì thôi. hehe...không có món gì thoát khỏi hai hàm ...lợi của Mít ... hehe ... đến thời điểm này Mít mới nhú được 1 chiếc răng khoảng 1 mm, 1 chiếc có vẻ đang chọc lợi lên. Với vốn "công cụ lao động" ít ỏi thế mà Mít đã cắn được từng miếng bánh vỡ ròn tan, cắn chuối từ quả chuối bố cầm, cắn dâu tây ... còn miếng thì xắt to cỡ đầu ngón tay là vô tư rồi.
Theo sách thì đáng ra đầu giai đoạn cuối kỳ, lúc này vẫn ăn cháo 1:5 (1 gạo 5 nước), nhưng vì Mít rất thích ăn đặc, nên mẹ cháu nấu 1 gạo 3-4 nước (như cơm nát rồi). Rau xắt khúc.
Ăn thô được, thực đơn của Mít đa dạng hơn nhiều rồi. Mít ăn đủ cả: gạo, spaghety, undon (mỳ Nhật), bánh mỳ, corn flake,...
9 tháng:
10 tháng:
11 tháng:
Mẹ thường đổi bữa cho Mít ngày 3 vị khác hẳn nhau. Sáng bánh mỳ, hoặc mỳ ống, khoai tây, khoai lang, corn flake.... Trưa thì mì Nhật, bún phở,... tối cơm,... rau thịt cũng mỗi bữa một kiểu. Trộm vía, cho Mít ăn là một công việc vô cùng thú vị. 2 mẹ con cứ toe toét hỉ hả với nhau... Nhìn cái miệng em nhai mà yêu không tả được... Nghĩ lại ngày xưa anh Ổi bị mẹ nhét sáng cháo chiều cháo tối lại cháo. Huhu... thương Ổi quá.
Mít hút ống hút quá thành thạo rồi. Cực thích uống nước. Má tóp cả vào mà mút, điều chỉnh tốc độ mút và tốc độ nuốt nhịp nhàng, tọp tọp tọp tọp....hihi ...yêu thế. Nhoắng cái hết nước...
Với tiến triển như bây giờ thì mẹ cháu đã nhìn thấy trong tầm tay chuyện đi chơi ngày chủ nhật không cần mang thức ăn riêng cho Mít rồi. Hihi...
Giai đoạn hoàn thiện: 1 tuổi-1,5 tuổi
Tình hình ăn uống của Mít lúc 15 tháng: Một đứa trẻ không bị đánh mất niềm vui ăn uống sẽ muốn thử thức ăn khi thấy món mới, thấy ai uống gì cũng xin. Đối với đứa trẻ này, ăn là khám phá, ăn là thích thú. Còn với những đứa trẻ như Ổi, khi đã có một quãng thời gian dài bị ép ăn thứ mình không thích, bị ấn tượng sợ ăn thì ngay cả bây giờ đã ăn ngon miệng với hầu hết mọi thứ, nhưng vẫn còn di chứng: Phản ứng hoàn toàn ngược lại với Mít khi có đồ ăn không quen, luôn dè chừng, từ chối thử, với tâm niệm sẵn trong đầu: nó không ngon, không cần thử cũng biết. Mà ngày xưa hồi mới ăn dặm Ổi cũng thích ăn, ăn nhanh lắm đấy. Huhu...
Chắc sẽ có nhiều người nghĩ mẹ Ổi ở nhà không đi làm thì mới có thể chăm cho Mít thế này. Thực ra ở nhà các mẹ có ông bà, có oshin còn sướng gấp mẹ Ổi vạn lần. So với quấy bột nấu cháo hổ lốn và để bé ăn nuốt chửng thì có vất vả hơn 1 tý nhưng cũng vui, vả lại chịu khó vài tháng còn hơn phải xì chét mấy năm. Và với pp đông lạnh thì thực ra cũng không tốn thời gian nhiều lắm. Hôm trước nhà Ổi đi ăn hàng, thấy có một nhà có 3 đứa trẻ, Cả 3 đứa và bố mẹ nó đều ngồi ăn uống enjoy như nhau, không phải cảnh mẹ xoay ngang xoay ngửa lo đút cho con ăn. Đứa lớn nhất nhỏ hơn Ổi, đứa bé nhất lớn hơn Mít. Bố Ổi bảo: thế là trong lúc nhà mình nghỉ ngơi thì họ đã kịp sản xuất 3 đứa. Hihi...Thế để thấy nuôi con kiểu Nhật là thế nào. Với cách nuôi của VN thì có mấy mẹ dám đẻ thế không? Những cảnh đó không hiếm gặp ở đây đâu, mà họ không có ông bà giúp đỡ, không có người giúp việc gì đâu nhé. Nói thế để động viên nhau tý, thêm động lực thoát khỏi sức ì và lối mòn đã tồn tại bao đời ở VN.Vài thắc mắc mọi người hay hỏi
Sau đây là vài thắc mắc liên quan khác và sau một thời gian nhiều người hỏi, và tìm hiểu mẹ cháu đã được biết thêm
1. Ở VN, sách báo bác sĩ vẫn đều khuyên trẻ chỉ bắt đầu ăn cơm nát từ khi có đủ răng (từ 2 tuổi), vậy ngoài Nhật ra thì các nước khác thế nào?
Trả lời: Ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc,...đều có tiến độ tập ăn giống - gần giống như Nhật (nói là gần giống vì có lệch nhau đôi chút về từng tháng tập ăn), nhưng đều cho bé ăn thô vào giai đoạn bé có phản xạ nhai tự nhiên tầm gần 1 tuổi. Chưa tìm thấy nước nào ngoài Việt nam khuyên phải ăn cháo đến 2 tuổi. (ko biết Trung Quốc thế nào nhỉ, phải hỏi ai đó mới được)
Ở Nhật thì câu hỏi "bé tập nhai thế nào? có suôn sẻ không?" là một trong những vấn đề quan tâm không thể thiếu trong việc đánh giá sự phát triển của bé giai đoạn từ 9 tháng đến 1,5 tuổi. Bên cạnh các thể loại sách báo, các họat động miễn phí hướng dẫn mẹ tập cho con ăn đúng thời kỳ cũng rất được chú trọng.
2. Bé không có răng thì nhai làm sao?
Trả lời: Bé nhai bằng lợi, bằng răng cửa.
Mít 10 tháng nhai miếng cà rốt ninh mềm to bằng đầu ngón tay cái, nhai bằng lợi mà nát bét cả ra nhé,
3. Nhiều người thắc mắc sao bé ọe, không nhuyễn là ko ăn được.
Theo kinh nghiệm của mẹ Ổi Mít, có những khả năng sau đây, các mẹ thử kiểm tra xem có mắc cái nào ko nhé
1-) Thô quá
2-) Cứng quá
3-) Đặc quá
4-) Xúc thìa đầy quá
5-) Loãng quá nhưng lổn nhổn phần thô vào phần nhuyễn. Bé ăn nhuyễn tưởng nuốt chửng được, nghẹn vì miếng thô lẫn trong đó. (chính vì thế mẹ Ổi không có đoạn chế biến kiểu xay lợn cợn, dùng máy xay hoặc là sẽ nhuyễn nhuyên nhuyên tất cả, hoặc là sẽ có chỗ thô quá chỗ nhuyễn quá, ko thể đạt một độ thô nào đó theo ý mình được)
6-) Bé có triệu chứng viêm họng/ốm
4. Bé đi ị ra miếng rau và miếng cà rốt lẫn trong phân, như vậy có phải là bé không tiêu được không?
Trả lời: Việc lẫn rau cỏ...xắt nhỏ nguyên cả màu rau trong phân em bé là chuyện thường gặp. Đúng là bé chưa tiêu hóa tốt, nhưng không có nghĩa là bé không tiêu được tý nào. Thức ăn ra nguyên theo phân thì người lớn cũng có. Đối với trẻ con, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên có như vậy cũng không nên lo lắng. Bé vẫn hấp thu được những dinh dưỡng cần thiết, không cần hạn chế các loại thực phẩm của trẻ. Nếu bé không chê, mẹ cứ thử cho bé các loại thực phẩm mới. Cungv với khả năng hấp thu ngày càng cao, dần dần bé sẽ tiêu hóa tốt hơn, tình trạng ra nguyên thức ăn trong phân như vậy sẽ giảm dần. (theo bác sĩ: ~~~ sách ~~~)
5. Khi mẹ tăng độ thô bé không đáp ứng được:
Một điểm nữa cũng nhiều người lúng túng mà mẹ Ổi muốn lưu ý là: các tiến độ tập ăn như trên chỉ là giới thiệu chung chung. Như Mít thì đã theo đúng tiến độ như vậy một cách suôn sẻ, nhưng cũng tùy từng bé. Các mẹ luôn nhớ là mỗi bé một khác nhau, hãy lựa theo đáp ứng của con mình. Khi nào bé sẵn sàng, nghĩa là bé hào hứng ăn, ăn được nuốt được, không nôn trớ, output tốt, tăng cân bình thường thì hãy tiếp tục step up. Đồ cứng quá hoặc thô quá không hợp với khả năng cũng sẽ khiến bé lười nhai. Phản ứng của bé là câu trả lời tốt nhất cho mẹ chứ không phải bất cứ một tiến độ theo sách vở, hay theo bé nào khác. "Con mình là con mình". Mẹ quán triệt được điều này thì sẽ có được sự thanh thản, kiên trì, và bình tĩnh. Nếu vì thấy bé ko làm được mà mẹ đâm ra lo lắng căng thẳng thì lại thành lợi bất cập hại. Điều quan trọng nhất vẫn là bé có hứng thú ăn hay không. Không bao giờ ép bé phải cố gắng vì cái bé ko thích, hoặc chưa làm được, đó là nguyên tắc.
6. Ăn chung hay ăn riêng?
Mít dưới 8 tháng thì lúc ăn riêng lúc ăn chung. Có khi thì nấu chung từ lúc nấu, có khi nấu riêng rồi lúc ăn lại trộn, có khi cho ăn riêng thìa nọ thìa kia theo hình tam giác. Sau 9 tháng thì mẹ nấu riêng nhiều hơn, như thực đơn ở trên. Quả tình Mít bây giờ (1,5 tuổi) ăn tạp hơn Ổi rất nhiều, ngay cả so với Ổi bây giờ là 6 tuổi. Tuy nhiên nếu bé của bạn ko thích ăn riêng thì theo mình ko nên quá căng thẳng về việc tập cho bé ăn riêng, bé ăn ngon miệng quan trọng hơn. Thỉnh thoảng thử xen kẽ là đủ. Vả lại, đằng nào thì khoảng gần 1 tuổi là bé ăn cơm nát thức ăn miếng khá tốt rồi nên cũng ko sợ bé phải ăn cháo hổ lốn quá lâu.
*** Cho tất cả các câu hỏi: tôn chỉ hành động là "hãy tôn trọng bé".
7. Khi bé ốm: bé ăn nhuyễn hơn, có sợ sau này bé quên nhai không?
Khi bé ốm thì bé không thể ăn thô, ăn đặc được, cũng như người lớn thôi. Lúc đó hãy làm thức ăn cho bé loãng hơn, mềm hơn, nhuyễn hơn. Làm sao cho bé ăn được là tốt rồi. Khi nào bé khỏi ốm dần dần bé sẽ lại ăn được bình thường, sẽ không quên nhai đâu.
8. Bộ đồ chế biến ăn dặm mua ở đâu?
Nếu ở Nhật, tên bộ đó là: 離乳食調理セット (Rinyusyoku chyori setto) Có thể mua ở các cửa hàng chuyên bán đồ em bé, mua qua mạng, mua ở các Drug sotre (Những siêu thị chuyên đồ gia dụng)
Ở VN hình như cũng có đồ của Falin tương đối giống, giá rẻ hơn mua đồ Nhật nhiều. Mua ở đâu thì mẹ Ổi không biết, trong WTT đã có topic hỏi cái này đấy ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét