Photo

Photo
3 tuổi

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

20/11

25/11 mà đi nói chuyện 20/11. lãng nhách. Nhưng không phải thế, vì 20/11 giành cho những thầy cô chân chính, còn ngày 25/11 là nói về những chuyện bên lề 20/11. Chuyện thật 100%.

Chuyện 1:
Mẹ Lủng: Tuần sau Lủng đi học
Mẹ Katy: Trường nào?
Mẹ Lủng: HD
Mẹ Katy: Xin được hay vậy? Tư à
Mẹ Lủng: 2.5 triệu đấy
Mẹ Katy: Trời, mầm non mà lại ở quận vùng xa xôi này nữa chứ.
Mẹ Lủng: Không đâu chị. Anh Th. mang Cún qua mà cũng không được đấy. Bà hiệu trưởng trả lại tiền vì ko còn chỗ nhét

Bình: Một năm tuyển sinh 100 cháu, hiệu trưởng có 250tr. Nghề này khá nhở

Chuyện 2 (chiều 20/11):
- Ủa, 20/11 mà không đưa Kyn đi tặng quà chúc mừng cô à?
- Quà gì. Năm nay làm phong bì cho gọn. Mà đưa hôm qua rồi
- Qua nhà đưa à?
- Đâu, đến trường đưa luôn
- Trời, ở trường sao đưa được
- Đưa cho Kyn mang vô cho cô luôn

Bình: Con 7 tuổi đã biết đưa phong bì cho cô. "Văn hóa phong bì" hình thành sớm quá nhỉ! Mẹ Kyn tào lao quá. Tiện thể kiểu đó bằng hại con


Chuyện 3 (mẹ Bon đi họp phụ huynh kể lại - trường tiểu học AH):
- Giáo viên chúng tôi chỉ sống bằng ngày 20/11 mà lớp này thì chẳng thấy đâu. Toàn tặng những thứ không xài được. Mấy lớp khác còn đỡ chứ lớp này.. (cô giáo chép miệng thở dài)

Hội trưởng hội PHHS đứng dậy xin lỗi cô. Cuối buổi đề nghị các vị PHHS mỗi người góp 200.000 bỏ phong bì cho cô

Chuyện 4 (ba Rhum kể cho ba Katy nghe):
- Anh thấy thằng con đầu học hành nặng quá, tội nghiệp. Anh rút kinh nghiệm thằng sau. Không cho học trường quốc tế vì không có tiền.  Cho học trường công nhưng khổ thân nó quá. Sáng học, chiều bán trú, tối lại còn học thêm nhà cô nữa, nó chẳng biết vui chơi là gì. Nên vợ chồng anh nghĩ ra một cách vẫn nộp tiền cho con đi học thêm để cô quan tâm đến nó, không trù dập nó nhưng nó sẽ học ở nhà do 2 vợ chồng dạy. Tụi nó học cái kiểu mà học thuộc lòng cả phép cộng/trừ nữa thì anh sợ luôn. Chẳng hiểu giáo dục kiểu gì.

Bình: cách này ổn, chắc ba mẹ katy học hỏi.

Kết: Ôi cái chuyện học hành... Sợ nhất lúc nào đó cứ sáng sáng con lại "Ứ chịu đi học đâu"

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Sinh nhật

"Sinh nhật ta không nhớ ngày
Nên mong chờ cả tháng nay
..."
Ngày ấy, Papa cưa cẩm mẹ bằng mấy cuốn sách của Lý Lan và bài thơ tự "tối tác như rứa.
Nhưng thấy ba xạo quá trời. Ba nói sinh nhật mẹ không nhớ ngày dzị mà tặng thơ và sách đúng vào ngày 24/11, rồi bì đặt nói lúc đó đưa lụi ai dè nó trúng....
Nhưng thôi dù sao nhờ rứa ba mới cõng được mẹ về dinh và linh tinh ra mình...
Happy birthday to my Mom... (sáng nay ba nói thay giùm mình rùi. Sang năm mình sẽ nói ngon lành hơn)

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Răng (2)

- Con khóc đi (và đè cổ ra cho khóc)
- Con cười đi
- Con nhe răng đi
- Con há miệng đi
...
Mấy ngày nay mẹ cứ lập đi lập lại mấy cái câu chán phèo. Ban đầu mình chẳng biết ý tứ ra sao nên cũng ngoan ngoãn nghe lời. Sau này phát hiện ra thì ra mẹ nhìn thấy 2 cậu em răng hàm dưới, 1 em răng hàm trên và thêm 2 em răng cửa hàm dưới nữa đang ùn ùn biểu tình... chúng đứng lố nhố lăng nhăng, chẳng ra hàng ra lối gì cả. Đúng là con rồng cháu tiên không quen với Lê-nin trong hiệu cắt tóc. Thế là kể cả mới thằng lú lú thì đội ngũ răng cỏ của mình bữa nay được 13 tên rồi. Nhiều phết. Vậy mà vẫn cháo xay nhuyễn như bột. Hơi bèo nhỉ!

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Nghịch cảnh (sưu tầm nhà namloc56)


Chiện người lớn nhưng chép dzìa cho ông ba đọc hen..

Trích

Mỗi người khi làm một việc gì đều có lý do riêng. Tôi cũng có lý do của tôi. Có một câu ví von mà cánh đàn ông chúng tôi khá tâm đắc là người đàn ông như cái bình trà, luôn có xung quanh những cái tách là những người phụ nữ. Những năm gần đây, ngoại tình không còn là chủ đề mới và đang có xu hướng gia tăng.

Cuộc hôn nhân của tôi? nếu nói "tôi không thỏa mãn với sự lựa chọn này" xem ra chẳng có gì ngạc nhiên. Bạn bè, đồng nghiệp, những người quanh tôi mấy ai không phàn nàn về người bạn đời của mình. Nhưng, cũng không thể nói khác được. Tôi đang dùng lý trí để duy trì cuộc sống vợ chồng của mình, một cuộc sống chỉ còn trách nhiệm và mệt mỏi.

Sao không ly hôn đi? làm đàn ông mà cứ sống hai mặt thì có đáng là đàn ông không? Tôi cũng từng nghĩ đi nghĩ lại điều đó. Nhưng, cuộc sống có những thách thức thật khó đối mặt. Tuy việc ly hôn ngày nay không đến nỗi ghê gớm nữa, nhưng cũng không phải muốn là làm được. Những người bạn của tôi, có văn hóa , có sự nghiệp vững vàng, có gia đình bề thế...cũng bị hút theo những cuộc ngoại tình ngoài luồng, và cũng rơi vào tình trạng chung : không vượt qua được cuộc "nội chiến" bản thân. Trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm với con cái, địa vị, danh dự và những thứ vô hình khác có sức mạnh trói buộc thật ghê gớm.

Bạn tôi nói, đối mặt, giải quyết được hết các vấn đề của một cuộc ly hôn,, đến lúc hai người về ở với nhau được cũng mệt lử, lương tâm lại còn không thanh thản. Anh ấy cũng đang có tình cảm sâu nặng với một phụ nữ đã có chồng. Hai người bàn tính chuyện ly hôn để về sống với nhau một cách hợp pháp, nhưng cuộc chiến đấu thất bại ngay từ đầu. Cuộc ly hôn nào không để lại những vết thương. Bố mẹ hai bên, họ hàng và day dứt hơn cả vẫn là những đứa con. Thành ra họ đành sống trong lẫn lộn vui buồn, giằng xé mâu thuẩn. Ngoại tình thì dễ, lấy nhau mới khó, có một diễn biến như ý càng khó hơn. Mà lấy nhau rồi, chắc gì cuộc sống đã được êm xuôi, tốt đẹp như lúc đang là tình nhân. Ai dám chắc một tình trạng hôn nhân tương tự không lặp lại.
........................................................

Tôi cần cái võ hôn nhân. Tôi cũng quen với cuộc sống có tình nhân rồi. Chưa bao giờ tôi thấy mệt như lúc này.

Vợ tôi đến giờ vẫn chưa biết gì chuyện tôi có tình nhân. Nhưng với đà này, liệu một ngày mọi sự có lộ ra? chẳng ai đảm bảo được điều đó. Vợ tôi vốn rất tin tưởng tôi. Phát hiện sự phản bội này, phản ứng của vợ tôi ra sao. Điều đó không nói ra ai cũng hình dung được. Sẽ là một trận chiến kinh hoàng. Gia đình đổ nát. Và con gái tôi sẽ tổn thương thế nào? Nỗi đau khổ, thiệt thòi của người tình tôi cũng khó đong đếm nổi. Tương lai cô ấy thuộc về đâu? Tất cả chỉ vì tôi đã không chiến thắng được sự ích kỷ và tham lam của mình.

Không ai một lúc làm tốt được nhiều việc, nhưng tôi vẫn cứ phải ngày qua ngày, tháng qua năm vừa là một người chồng, người bố tận tụy, vừa là một người tình có trách nhiệm.

Nhìn những người đàn ông không bồ bịch, tôi cứ thèm được trở về ngày trước thảnh thơi, không vướng bận. Kiểu ví von đàn ông như cái bình trà có xung quanh mấy cái tách là người đẹp xem ra không hẳn đã phù hợp với mọi đàn ông. Nếu dừng lại ở sự cảm mến nhẹ nhàng, bạn có thể rút lui êm xuôi khi bạn muốn, nhưng khi đã là tình cảm thực sự thì chẳng dễ gì. Ai ở trong cuộc mới hiểu nỗi khổ này.

Hãy giữ cho mình sự nghiêm khắc nhất định, dẫu sức hút đó, nhu cầu sẻ chia đó là có thật. Nếu bạn sa xuống hố, không chỉ là mình bạn mà còn kéo theo cả nhiều người khác. Cuộc hôn nhân nào cũng có vấn đề. Thay vì kéo dài, buông xuôi, hãy nghĩ cách điều trị, xem ra vẫn tốt hơn là đi tìm niềm an ủi bên ngoài.

Tìm đến người thứ ba không phải là biện pháp giải quyết vấn đề hôn nhân. Trĩu nặng lòng bạn, nặng trĩu lòng người. Đau đớn trái tim không biết lúc nào nguôi.

Nghịch cảnh của tôi hẳn chẳng phải cá biệt!

X.C

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Kinh nghiệm xương máu về những sai lầm trong nuôi con kiểu Việt Nam (phần 3)

Đây là tiến độ tập ăn của Mít:

Giai đoạn sơ kỳ: (5-6 tháng)

5 tháng: bắt đầu tập ăn dặm, tập từ 1 thìa cháo trở đi (1 thìa là 5 ml). (Tăng dần lên từng thìa, cho đến khi ăn được 6 thìa = 30ml).

Cháo trắng nấu tỷ lệ 1:10 (1 gr gạo 10ml nước). nghiền nhuyễn, rây qua lưới, (hoặc xay cũng được), không nêm gì hết.

Giai đoạn này thực chất chỉ là tập ăn, tập làm quen với thìa, tập nuốt. Còn lượng ăn rất ít, vẫn ăn sữa như bình thường.

6 tháng: Chính thức ăn dặm. Gọi là chính thức nhưng mỗi bữa vẫn chỉ 40ml thôi, thêm 10-15ml rau. Sữa vẫn là chính. Ăn cháo xong uống bù thêm sữa tùy nhu cầu. So với các bạn ở VN thì cực ít, nhưng mẹ cháu vẫn hỉ hả lắm... Nếu bát cháo 200ml theo công thức của VN chắc chắn Mit chán không ăn hết.

Mỗi bữa tổng cộng khoảng 60ml (40ml cháo, 15ml rau).


Cháo bánh mỳ, chỉ nghiền bằng tay, không rây nữa

6.5 tháng: Khi bé đã quen với thìa, biết nuốt, tầm 6-6,5 tháng, bắt đầu không rây nữa (tương đương với không dùng máy xay nữa). Cháo nghiền cho hạt vỡ ra (hoặc nấu từ cháo gạo vỡ). Tỷ lệ vẫn là 1:10.

Mẹ cháu được một người bạn từ VN sang cho 1 túi gạo vỡ. Ko biết là cỡ bao nhiêu, chỉ biết hạt rất nhỏ, như hạt tấm thôi. Mấy ngày đầu thì mẹ cháu nấu xong lại đem nghiền thêm 1 chút nữa. Sau đó khoảng 1 tuần thì cũng không nghiền nữa. Túi gạo 0,5 kg, ăn hết là khoảng 2 tuần, cũng vừa vặn tốt nghiệp cháo gạo vỡ.

Khoảng 6 tháng 3 tuần, Mít ăn cháo gạo vỡ, lổn nhổn thế này:

Đến cuối giai đoạn sơ kỳ, chỉ nghiền sơ sơ. (tương đương với cháo hạt cỡ to)

Ở Nhật có bộ đồ chế biến ăn dặm, và họ không dùng máy xay. Theo kinh nghiệm mẹ Ổi đã từng dùng máy xay với Ổi và lần này dùng bộ chế biến tay với Mít thì dùng máy xay rất khó để điều chỉnh độ thô. Để chuyển đổi từ dạng xay nhuyễn sang dạng thô hơn thì nên dùng gạo vỡ (nếu bé khó khăn thì nghiền thêm bằng cối nghiền). Máy xay hoặc là nhuyễn hẳn, hoặc là vẫn có chỗ thô quá, bé dễ ọe.

Giai đoạn Giữa kỳ (7-8 tháng)

Mít về VN đến 8,5 tháng mới quay lại Nhật, trong thời gian ở VN mẹ cháu không chụp ảnh món ăn nên không có tư liệu.

Tiến độ tập ăn thì thế này

Đầu giai đoạn giữa kỳ

7 tháng 1 tuần: Cháo hạt loãng 1 gạo 8-10 nước. Thịt xay. Rau luộc chín rồi dùng dụng cụ chế biến ăn dặm để mài (thô hơn xay 1 tý).

8 tháng: cháo hạt đặc hơn, 1 gạo 7 nước. Thịt vẫn xay. Rau băm.

Với độ nhão này, Mít vẫn nuốt chửng thức ăn. Nhưng về khả năng nuốt thô thì ổn. Cháo hạt 1:7 khá đặc, rau lá mẹ băm nhỏ, Mít ăn và nuốt rất tốt

8,5 tháng: Chuẩn bị sang giai đoạn sau, Cháo hạt đặc hơn nữa: 1 gạo 5-6 nước.

Là lá la la... Mít bắt đầu có phản xạ nhai rất rõ rệt.

Có sách trong tay, có kinh nghiệm các bé ở Nhật xung quanh mình, mẹ mạnh dạn hơn, và mẹ phát hiện ra thêm một niềm vui tuyệt vời nữa, mà hồi nuôi Ổi mẹ chưa biết đến, là mỗi phát triển của con trong sự nghiệp tập ăn. Hầu như là mỗi tuần Mít đều có tiến bộ. Hầu như mỗi ngày con đều làm cả nhà cười sung sướng. Này nhé. Mấy hôm trước thì xoài, đu đủ, chuối phải dùng thìa nạo, vài hôm sau đã ăn được miếng xắt 1-2 mm. Vài hôm nữa lại miếng to hơn. Cùng 1 món mà bố mẹ liên tục bất ngờ vì những tiến bộ của em. Lúc thì đi ăn hàng với bố mẹ, em đã có thể ăn từng mẩu xúp lơ xanh đến hết cả bông lơ của anh Ổi. Lúc thì sáng đòi ăn mì tôm, sợi dài em mút tụt vô miệng chén ngon lành... làm cả nhà cứ mắt tròn mắt dẹt ... Em nuốt thô ngày càng thành thạo. Nhai bằng lợi ngày càng giỏi hơn.

Mít còn biết hút bằng ống hút nữa rồi nhé. Ai lại cứ xúc từng thìa nước nữa, chẳng ra dáng tý nào. Sau mỗi bữa ăn bây giờ em cầm cốc tu vài phút là hết tiêu 50 ml nước hoa quả.

(Về kinh nghiệm tập cho uống ống hút: Mấy ngày đầu Mít chỉ biết cắn cắn chơi chơi, thỉnh thoảng mút 1 cái, chẳng may có tý nước vào miệng. Nhưng bữa nào mẹ cháu cũng dọn ra, cho Mít quen dần. Khoảng 1 tuần là Mít hiểu, trong cái cốc đó có nước. Nếu mút thì sẽ được nước vào mồm)

. Thịt băm, Răm xắt nhỏ. Hoa quả mềm như đu đủ, xoài xắt nhỏ 2 mm.

Giai đoạn Cuối kỳ

9 tháng: Bây giờ thì Mít đã ăn thô giỏi lắm rồi. Có vẻ như Mít đã rất sẵn sàng để ăn cơm như của bố mẹ... Mít cực kỳ thích ăn cơm người lớn. Bố tham hay cho cả thìa cơm mà Mít cũng ăn vèo cái hết. (cơm gạo Nhật mềm và dẻo mà). Lại rất thích thức ăn của bố mẹ. Bữa cơm của cả nhà là Mít phải lượn 1 vòng bằng hết các món thì thôi. hehe...không có món gì thoát khỏi hai hàm ...lợi của Mít ... hehe ... đến thời điểm này Mít mới nhú được 1 chiếc răng khoảng 1 mm, 1 chiếc có vẻ đang chọc lợi lên. Với vốn "công cụ lao động" ít ỏi thế mà Mít đã cắn được từng miếng bánh vỡ ròn tan, cắn chuối từ quả chuối bố cầm, cắn dâu tây ... còn miếng thì xắt to cỡ đầu ngón tay là vô tư rồi.

Theo sách thì đáng ra đầu giai đoạn cuối kỳ, lúc này vẫn ăn cháo 1:5 (1 gạo 5 nước), nhưng vì Mít rất thích ăn đặc, nên mẹ cháu nấu 1 gạo 3-4 nước (như cơm nát rồi). Rau xắt khúc.

Ăn thô được, thực đơn của Mít đa dạng hơn nhiều rồi. Mít ăn đủ cả: gạo, spaghety, undon (mỳ Nhật), bánh mỳ, corn flake,...

9 tháng:

10 tháng:

11 tháng:

Mẹ thường đổi bữa cho Mít ngày 3 vị khác hẳn nhau. Sáng bánh mỳ, hoặc mỳ ống, khoai tây, khoai lang, corn flake.... Trưa thì mì Nhật, bún phở,... tối cơm,... rau thịt cũng mỗi bữa một kiểu. Trộm vía, cho Mít ăn là một công việc vô cùng thú vị. 2 mẹ con cứ toe toét hỉ hả với nhau... Nhìn cái miệng em nhai mà yêu không tả được... Nghĩ lại ngày xưa anh Ổi bị mẹ nhét sáng cháo chiều cháo tối lại cháo. Huhu... thương Ổi quá.

Mít hút ống hút quá thành thạo rồi. Cực thích uống nước. Má tóp cả vào mà mút, điều chỉnh tốc độ mút và tốc độ nuốt nhịp nhàng, tọp tọp tọp tọp....hihi ...yêu thế. Nhoắng cái hết nước...

Với tiến triển như bây giờ thì mẹ cháu đã nhìn thấy trong tầm tay chuyện đi chơi ngày chủ nhật không cần mang thức ăn riêng cho Mít rồi. Hihi...
 

Giai đoạn hoàn thiện: 1 tuổi-1,5 tuổi

Tình hình ăn uống của Mít lúc 15 tháng: Một đứa trẻ không bị đánh mất niềm vui ăn uống sẽ muốn thử thức ăn khi thấy món mới, thấy ai uống gì cũng xin. Đối với đứa trẻ này, ăn là khám phá, ăn là thích thú. Còn với những đứa trẻ như Ổi, khi đã có một quãng thời gian dài bị ép ăn thứ mình không thích, bị ấn tượng sợ ăn thì ngay cả bây giờ đã ăn ngon miệng với hầu hết mọi thứ, nhưng vẫn còn di chứng: Phản ứng hoàn toàn ngược lại với Mít khi có đồ ăn không quen, luôn dè chừng, từ chối thử, với tâm niệm sẵn trong đầu: nó không ngon, không cần thử cũng biết. Mà ngày xưa hồi mới ăn dặm Ổi cũng thích ăn, ăn nhanh lắm đấy. Huhu...

Chắc sẽ có nhiều người nghĩ mẹ Ổi ở nhà không đi làm thì mới có thể chăm cho Mít thế này. Thực ra ở nhà các mẹ có ông bà, có oshin còn sướng gấp mẹ Ổi vạn lần. So với quấy bột nấu cháo hổ lốn và để bé ăn nuốt chửng thì có vất vả hơn 1 tý nhưng cũng vui, vả lại chịu khó vài tháng còn hơn phải xì chét mấy năm. Và với pp đông lạnh thì thực ra cũng không tốn thời gian nhiều lắm. Hôm trước nhà Ổi đi ăn hàng, thấy có một nhà có 3 đứa trẻ, Cả 3 đứa và bố mẹ nó đều ngồi ăn uống enjoy như nhau, không phải cảnh mẹ xoay ngang xoay ngửa lo đút cho con ăn. Đứa lớn nhất nhỏ hơn Ổi, đứa bé nhất lớn hơn Mít. Bố Ổi bảo: thế là trong lúc nhà mình nghỉ ngơi thì họ đã kịp sản xuất 3 đứa. Hihi...Thế để thấy nuôi con kiểu Nhật là thế nào. Với cách nuôi của VN thì có mấy mẹ dám đẻ thế không? Những cảnh đó không hiếm gặp ở đây đâu, mà họ không có ông bà giúp đỡ, không có người giúp việc gì đâu nhé. Nói thế để động viên nhau tý, thêm động lực thoát khỏi sức ì và lối mòn đã tồn tại bao đời ở VN.

Vài thắc mắc mọi người hay hỏi

Sau đây là vài thắc mắc liên quan khác và sau một thời gian nhiều người hỏi, và tìm hiểu mẹ cháu đã được biết thêm

1. Ở VN, sách báo bác sĩ vẫn đều khuyên trẻ chỉ bắt đầu ăn cơm nát từ khi có đủ răng (từ 2 tuổi), vậy ngoài Nhật ra thì các nước khác thế nào?

Trả lời: Ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc,...đều có tiến độ tập ăn giống - gần giống như Nhật (nói là gần giống vì có lệch nhau đôi chút về từng tháng tập ăn), nhưng đều cho bé ăn thô vào giai đoạn bé có phản xạ nhai tự nhiên tầm gần 1 tuổi. Chưa tìm thấy nước nào ngoài Việt nam khuyên phải ăn cháo đến 2 tuổi. (ko biết Trung Quốc thế nào nhỉ, phải hỏi ai đó mới được)

Ở Nhật thì câu hỏi "bé tập nhai thế nào? có suôn sẻ không?" là một trong những vấn đề quan tâm không thể thiếu trong việc đánh giá sự phát triển của bé giai đoạn từ 9 tháng đến 1,5 tuổi. Bên cạnh các thể loại sách báo, các họat động miễn phí hướng dẫn mẹ tập cho con ăn đúng thời kỳ cũng rất được chú trọng.

2. Bé không có răng thì nhai làm sao?

Trả lời: Bé nhai bằng lợi, bằng răng cửa.

Mít 10 tháng nhai miếng cà rốt ninh mềm to bằng đầu ngón tay cái, nhai bằng lợi mà nát bét cả ra nhé,

3. Nhiều người thắc mắc sao bé ọe, không nhuyễn là ko ăn được.

Theo kinh nghiệm của mẹ Ổi Mít, có những khả năng sau đây, các mẹ thử kiểm tra xem có mắc cái nào ko nhé

1-) Thô quá

2-) Cứng quá

3-) Đặc quá

4-) Xúc thìa đầy quá

5-) Loãng quá nhưng lổn nhổn phần thô vào phần nhuyễn. Bé ăn nhuyễn tưởng nuốt chửng được, nghẹn vì miếng thô lẫn trong đó. (chính vì thế mẹ Ổi không có đoạn chế biến kiểu xay lợn cợn, dùng máy xay hoặc là sẽ nhuyễn nhuyên nhuyên tất cả, hoặc là sẽ có chỗ thô quá chỗ nhuyễn quá, ko thể đạt một độ thô nào đó theo ý mình được)

6-) Bé có triệu chứng viêm họng/ốm

4. Bé đi ị ra miếng rau và miếng cà rốt lẫn trong phân, như vậy có phải là bé không tiêu được không?

Trả lời: Việc lẫn rau cỏ...xắt nhỏ nguyên cả màu rau trong phân em bé là chuyện thường gặp. Đúng là bé chưa tiêu hóa tốt, nhưng không có nghĩa là bé không tiêu được tý nào. Thức ăn ra nguyên theo phân thì người lớn cũng có. Đối với trẻ con, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên có như vậy cũng không nên lo lắng. Bé vẫn hấp thu được những dinh dưỡng cần thiết, không cần hạn chế các loại thực phẩm của trẻ. Nếu bé không chê, mẹ cứ thử cho bé các loại thực phẩm mới. Cungv với khả năng hấp thu ngày càng cao, dần dần bé sẽ tiêu hóa tốt hơn, tình trạng ra nguyên thức ăn trong phân như vậy sẽ giảm dần. (theo bác sĩ: ~~~ sách ~~~)

5. Khi mẹ tăng độ thô bé không đáp ứng được:

Một điểm nữa cũng nhiều người lúng túng mà mẹ Ổi muốn lưu ý là: các tiến độ tập ăn như trên chỉ là giới thiệu chung chung. Như Mít thì đã theo đúng tiến độ như vậy một cách suôn sẻ, nhưng cũng tùy từng bé. Các mẹ luôn nhớ là mỗi bé một khác nhau, hãy lựa theo đáp ứng của con mình. Khi nào bé sẵn sàng, nghĩa là bé hào hứng ăn, ăn được nuốt được, không nôn trớ, output tốt, tăng cân bình thường thì hãy tiếp tục step up. Đồ cứng quá hoặc thô quá không hợp với khả năng cũng sẽ khiến bé lười nhai. Phản ứng của bé là câu trả lời tốt nhất cho mẹ chứ không phải bất cứ một tiến độ theo sách vở, hay theo bé nào khác. "Con mình là con mình". Mẹ quán triệt được điều này thì sẽ có được sự thanh thản, kiên trì, và bình tĩnh. Nếu vì thấy bé ko làm được mà mẹ đâm ra lo lắng căng thẳng thì lại thành lợi bất cập hại. Điều quan trọng nhất vẫn là bé có hứng thú ăn hay không. Không bao giờ ép bé phải cố gắng vì cái bé ko thích, hoặc chưa làm được, đó là nguyên tắc.

6. Ăn chung hay ăn riêng?

Mít dưới 8 tháng thì lúc ăn riêng lúc ăn chung. Có khi thì nấu chung từ lúc nấu, có khi nấu riêng rồi lúc ăn lại trộn, có khi cho ăn riêng thìa nọ thìa kia theo hình tam giác. Sau 9 tháng thì mẹ nấu riêng nhiều hơn, như thực đơn ở trên. Quả tình Mít bây giờ (1,5 tuổi) ăn tạp hơn Ổi rất nhiều, ngay cả so với Ổi bây giờ là 6 tuổi. Tuy nhiên nếu bé của bạn ko thích ăn riêng thì theo mình ko nên quá căng thẳng về việc tập cho bé ăn riêng, bé ăn ngon miệng quan trọng hơn. Thỉnh thoảng thử xen kẽ là đủ. Vả lại, đằng nào thì khoảng gần 1 tuổi là bé ăn cơm nát thức ăn miếng khá tốt rồi nên cũng ko sợ bé phải ăn cháo hổ lốn quá lâu.

*** Cho tất cả các câu hỏi: tôn chỉ hành động là "hãy tôn trọng bé".

7. Khi bé ốm: bé ăn nhuyễn hơn, có sợ sau này bé quên nhai không?

Khi bé ốm thì bé không thể ăn thô, ăn đặc được, cũng như người lớn thôi. Lúc đó hãy làm thức ăn cho bé loãng hơn, mềm hơn, nhuyễn hơn. Làm sao cho bé ăn được là tốt rồi. Khi nào bé khỏi ốm dần dần bé sẽ lại ăn được bình thường, sẽ không quên nhai đâu.

8. Bộ đồ chế biến ăn dặm mua ở đâu?

Nếu ở Nhật, tên bộ đó là: 離乳食調理セット (Rinyusyoku chyori setto) Có thể mua ở các cửa hàng chuyên bán đồ em bé, mua qua mạng, mua ở các Drug sotre (Những siêu thị chuyên đồ gia dụng)

Ở VN hình như cũng có đồ của Falin tương đối giống, giá rẻ hơn mua đồ Nhật nhiều. Mua ở đâu thì mẹ Ổi không biết, trong WTT đã có topic hỏi cái này đấy ạ.

Mẹ Ổi
Theo blog Mẹ Ổi

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Kinh nghiệm xương máu về những sai lầm trong nuôi con kiểu Việt Nam (phần 2)

Lượng ăn và ép ăn:

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa làm bọn trẻ ở VN chán ăn là bị ép ăn quá nhiều. Lượng ăn tiêu chuẩn theo sách bs dinh dưỡng khuyên là 200ml/bữa, nhiều gấp 2-3 lần bữa ăn của trẻ Nhật giai đoạn đầu. Xem thực đơn mẫu cho trẻ 2-3 tuổi của Viện dinh dưỡng Trung ương mà ặc ặc...người lớn cũng không chắc đã ăn nổi chứ đừng nói đến trẻ con: 6 giờ 2 lưng bát con cơm nát với thức ăn rau, thịt, canh + 1quả chuối tiêu. 8 giờ mời con xơi tiếp 1 bát cháo trứng 200ml ... ặc ặc... (nguồn tham khảo: http://bibi.vn/component/option,com_specialsub/task,showDetail/content_id,595/cat_code,TDTLT/sub_code,23TUOI/ ). Ăn lại còn chậm như bọn trẻ ở nhà thì cứ gọi là thôi bữa nọ xong thì tiếp luôn bữa kia, chẳng còn mở mắt ra được nữa. Chả hiểu mấy bác phát minh ra cái thực đơn này có nuôi con theo thế không mà đi khuyên con người ta như thế.

Ở Nhật, từ khi mang thai, các bà mẹ đã có ý thức ăn uống vừa phải. Chỉ được phép tăng khoảng 10 kg. Mẹ bầu Mít chung kết là tăng 13 kg, mà bị nhắc nhở suốt thai kỳ. Rất hiếm người tăng đến 13 kg khi mang bầu. Họ không cho rằng mẹ phải ăn thật nhiều để con to khỏe mới là tốt. Quan niệm bà bầu phải ăn cho 2 người giờ đến bà già ở đây cũng tuyên bố là cổ hủ lạc hậu. Hehe...Trẻ con Nhật sinh ra thường chỉ từ 2,8 kg đến 3 kg. Mít trong bụng mẹ luôn bị bác sĩ lắc đầu: to quá, trong khi nói kích thước ra thì ở VN bảo có gì đâu mà to. Vì kiểm soát sức khỏe như vậy, các bà mẹ Nhật sinh con xong rất nhanh chóng trở lại form ban đầu, đi khám định kỳ 1 tháng sau sinh mẹ đã mặc quần cạp trễ cũng không hiếm gặp, trông cứ phơi phới như thiếu nữ...con 3-4 tháng là hầu hết mẹ đều trở lại thon thả như thường. Trong khi ở Việt Nam các bà béo ú béo ụ sau sinh được coi là bình thường…phải béo thế mới có sức, ai không béo mới là có vấn đề cần lo lắng. Con đến cả 1 tuổi, 2 tuổi rồi mà mẹ vẫn béo. Và rồi không bao giờ trở lại số đo cũ cũng là điều đương nhiên. Thực tế thì phụ nữ Nhật họ đâu có béo mà họ vẫn khỏe, một mình một tay nuôi 2-3 đứa con trứng gà trứng vịt làm gì có người giúp việc (người Nhật còn thường đẻ rất dày nữa), chồng thì đi làm đến 11 giờ đêm mới về… không khỏe sao làm vậy được. Về lâu về dài, người Nhật cũng vẫn là người sống lâu nhất thế giới. Chưa nói đến khía cạnh mẹ béo, con to quá dễ sinh đủ các thứ bệnh. Ở đây, Mít trong bụng mẹ siêu âm thấy hơi to một chút (ở mức độ nếu ở VN thì sẽ đáng tự hào hơn là lo), thì bác sĩ Nhật đã yêu cầu mẹ thử máu xét nghiệm tiểu đường ngay từ trong thai kỳ.

Một đứa trẻ và một bà mẹ ở Việt Nam được khen là nuôi con tốt khi đứa trẻ đó bụ bẫm, thậm chí là béo. Nhiều đứa trẻ cân nặng đã nằm trong miền báo động thì bố mẹ lại tự hào, rồi được lấy làm gương cho những đứa khác, nhiều đứa trẻ hoàn toàn bình thường thì ai cũng xót xa: nó gầy quá. Bà mẹ nào cứng bóng vía thì cũng sẽ bị ông bà, cô dì chú bác, người thân quen dèm pha: nuôi con kiểu gì mà nó bé tý thế. Thằng X, con bé Y, cũng ngần ấy mà nó nặng … kg rồi cơ đấy. Một trong những lời thăm hỏi nhau không thể thiếu là thằng bé, con bé mấy kg rồi? Ngay như Ổi, lần nào gọi điện nói chuyện với ông bà cũng không thể thiếu nội dung cân nặng. Hehe…

Trẻ con Nhật về VN chắc là bị chê suy dinh dưỡng hết lượt. Ở khu nhà Ổi, tất cả bọn trẻ con đều nhỏ hơn Ổi ở độ tuổi tương đương. … Ở Yochien, Ổi là đứa lớn gần nhất lớp nhưng mà về VN chẳng là gì hết. Nhưng các bà mẹ Nhật ở đây họ không than vãn con còi, không tìm cách ép con ăn. Họ chỉ cần nó khỏe, ngoan, nghịch ngợm phát triển bình thường là được. Thay vì chú trọng nhồi cho con béo, họ đem con ra ngoài vận động nhiều để phát triển thể lực, phát triển trí tuệ. Thay vì sợ con cảm ốm sẽ sụt đi vài lạng, con được ra ngoài chơi là quan trọng hơn. Con cởi tất ra để tập chịu rét tăng sức đề kháng là quan trọng hơn. Bọn trẻ con Nhật mũi dãi ròng ròng mà chân không tất, sờ vào lạnh ngắt như kem là cảnh thường thấy…Chẳng phải kháng sinh gì hết. Lớn lên chúng khỏe. hehe … Mẹ ở VN mà thế sẽ bị chê là lười biếng, chăm con không chu đáo. Nhưng kết quả là ra ngoài rồi mới thấy giống người yếu nhất thế giới là người Việt Nam. Đi bộ vài trăm mét đã thở ra đằng tai. Trời hơi lạnh đã áo đơn áo kép mà vẫn cảm cúm tùm lum…

Con bé Miku-chan cháu bà Etchan, nửa năm không tăng cân tý nào, mới gặp lần trước 11 tháng 9.5 kg tròn xoe như bóng, lần sau 18 tháng vẫn chỉ có 9.8 kg, gầy nhẳng. Bảo mẹ nó là nó bé, mẹ nó cãi: không bé đâu, bình thường đấy. Trong khi vào WTT, 10 mẹ thì 9,5 mẹ kêu con lười ăn, kêu nó bé, trong khi chỉ số đưa ra so với bọn Nhật này còn cao chót vót. Nhìn thực đơn thì toát mồ hôi, thấy ăn ăn uống uống suốt ngày, thế mà vẫn con lo tính nhồi thêm. Hóa ra kêu ca hay đau khổ cũng là do mình nghĩ thế nào thì nó là như thế thôi.

Vì không chăm chắm lo cho nó tăng cân, nên vào những khoảng thời gian sinh lý, lúc bé ốm đau, bé lười ăn hơn thì họ cũng không sốt ruột mà ép uổng bé, dẫn đến ấn tượng sợ ăn, và mắc bệnh chán ăn mãn tính luôn.

Cũng chính vì không ép ăn nên bọn trẻ con Nhật đứa nào cũng thèm ăn. Mỗi khi đi chơi hoặc có bạn đến nhà. Đem bánh kẹo hoa quả ra là bọn trẻ con Nhật nhảy bổ tới, còn Ổi dửng dưng như không. Mẹ Ổi thì dỗ con: con ăn cái này không? Con ăn cái kia không? Còn các mẹ khác thì: Ăn nốt cái đó thôi đấy nhé. (Họ nói thế trong khi con họ bé tý đấy nhé, ở VN là bị coi là còi đấy nhé). Ổi ăn được 1 cái thì bọn kia chả xơi hết cả chục cái rồi…. Kết quả chung cuộc là đứa trẻ không bị ép, không bị mắc chứng chán ăn, sẽ ăn nhiều hơn nhiều. Bố mẹ thì nhàn tênh.

Thế tại sao ăn thế mà không bụ? bởi vì cũng sẽ có bữa chúng nó hầu như chẳng ăn gì. Không sao, không phải canh từng bữa. Lúc nãy nó ăn 1 quả quít với bánh sembei rồi. hêhê…(những 1 quả quít cho bữa tối cơ đấy), 1 tuổi đã không uống sữa gì hết, cũng chẳng sao…chẳng 1 lời than vãn sốt ruột nào. Nó không thích, đơn giản thế thôi.

Mọi người sẽ bảo: cuối cùng thì là chúng nó vẫn còi là không ổn rồi. Đúng, chúng nó còi nhưng chúng nó sau này vẫn cao 1m7, 1m8 cả, chúng nó khỏe, dai sức. Chúng nó còi nhưng thói quen ăn uống tốt. Không làm bố mẹ phiền lòng. 1 tuổi rưỡi là đi chơi khắp nơi ăn cái gì chung với bố mẹ cũng được rồi. 2 tuổi ngồi bàn đàng hoàng, tự xúc cơm, mì ăn nhanh như người lớn…kết thúc bữa cùng người lớn không phải đợi chờ giục giã. Bố mẹ con cái có nhiều thời gian vui vẻ hạnh phúc với nhau thay vì mặt nặng mày nhẹ vì bữa ăn. Tự lập và tự tin, vì được tôn trọng ý thích, được làm theo ý thích của mình, không bị nghe bố mẹ rầy la. Đó là những cái mà bọn trẻ và bố mẹ của chúng được.

Không đáng để học tập sao?

Mẹ Mít đang học để làm cho Mít đây.

Mẹ Ổi

Mẹkaty cứ copy về đây rồi đọc sau

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Hâu


Photobucket


Mình yêu hoa, yêu từ lâu lẩu lầu lâu, từ cái ngày đầu tiên mẹ chỉ cho mình bông hoa vàng vàng hoàng anh gì đó. Hoa gì cũng yêu, từ bông to đến bông bé, từ bông đỏ đến bông hồng, từ hoa thật đến hoa giả, từ hoa trong tranh đến trong hình, trên báo, trên tivi, trên quần áo.... Yêu thế nên mình đã phát âm từ HOA thật đơn giản, dễ dàng và mình nhận ra hoa ở khắp mọi nơi.

Ấy thể mà 2 tháng nay mình rất buồn vì mình không hiểu sao mình không gọi hoa
được nữa. Mỗi lần mình gọi hoa mẹ lại chép miệng thở dài. Mình cố gắng lắm cũng chỉ nói được "Hâu, hâu"...
Thế mới đau.
Sao vậy nhỉ?

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Nhầm

- Con chó nó kêu làm sao con?
- Meo meo
- Không, con chó mà con. Nó SỦA làm sao con?
- âu âu
- Con mèo nó kêu làm sao con?
- Meo meo
- Con gà nó gáy làm sao con?
- O o
- Con vịt nó kêu làm sao con?
- Chạp chạp
- Con heo nó kêu làm sao con?
- Eo eo
- Không, con heo nó phải kêu ụt ịt chứ con.
- (trời mình học dốt ghê. mẹ bày hoài mà không nhớ. Ngơ ngác nhìn).
- Con heo nó kêu làm sao con?
- Ịt ịt (nhưng ngày mai mà hỏi lại là quên luôn)
- Giỏi lắm. Vậy con Katy nó kêu làm sao con?
- Mẹ mẹ.. (và ôm chặt lấy mẹ, hít hà thơm mẹ)


(Yêu thế bảo sao đi làm mà không nhớ con đứt ruột)

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Bận

- A lô,
- Nhô...
- Katy à con?
- Ai... ai... dzị?
- Katy ơi! Mẹ - mẹ - mẹ nè
- Mẹ mẹ mẹ mẹ...
- Dạ dạ dạ dạ
- Mẹ?
- Con đang làm gì vậy?
- Chơi...
- Con ăn chưa? Con có uống nước nhiều không? con....
- Bla blo blo ay za... za ... (con bận lắm, không có thời gian nghe điện thoại đâu)
....... (rầm)
- Aloo aloo ... con đâu rồi, Katy, Katy?

Khổ thế, mình cứ phải suốt ngày tiếp điện thoại, nào là ba, bà ngoại, bà nội, bác hai, thỉnh thoảng bà dì, ông dượng,... Sốt ruột lắm cơ. Không nghe thì bảo là không ngoan, mà nghe thì mình không rảnh tay làm chuyện khác được, với lại cái ống nghe nó nặng trịch ấy, mình dữ được một tí là mỏi tay đứ đừ. Thành ra lúc nào mình cũng phải cúp máy bất lịch sự như vậy đó.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Có khi nào trên đường đời tấp nập. Tui zô tình dzấp phải bịch KIM CƯƠNG (st) (có giấy khai sinh kèm theo bán cho được giá)

Răng

Người ta nói cái răng cái tóc là góc (hay gốc) con người. Vậy mà một phần tám con người của mình xem ra chẳng ra chi.

Lúc mới 2 tháng mình bắt đầu thấy ngứa lợi kinh khủng, cứ múm môi suốt ngày, mẹ sinh nghi và phát hiện có 2 cái chi trắng trắng mọc lên từ lợi. Mẹ gọi là răng. Từ đấy mình trở nên được nhiều người quan tâm hơn, ai đến thăm cũng săm soi cái răng, ai gọi điện hỏi thăm cũng chỉ hỏi cái răng, mẹ gửi hình cho ai người ta cũng yêu cầu gửi cái nào có chụp được 2 cái răng,... đi đâu cũng nghe bàn tán về cái sự mọc răng sớm của mình. Người bảo dư canxi, người bảo xui, người bảo hên, người bảo thế thì nhanh mọc hết hàm lắm nhỉ,.... Bàn tán, phân tích, đoán già đoán non quanh chuyện cái răng của mình suốt. Riêng bác sĩ thì tỉnh bơ bơ, chả có gì ngạc nhiên khi mẹ khoe răng...




Rồi tất cả cũng chìm vào dĩ vãng. Nhưng đến tháng thứ 6 thì lại bắt đầu những trận hỏi thăm, sờ mó, kiểm tra triền miên. "Sao lâu thế nhỉ? sáu tháng mà chưa mọc thêm cái nào? nó mọc sớm lắm mà?..."
Đằng đẵng như thế đến tháng thứ 9 thì 2 em Răng cửa to như 2 cái bàn cuốc chui ra, vài ngày sau hai vệ sĩ của Răng cửa cũng lần lượt lên theo.

Nhìn cái cảnh lệch lạc đến là đau khổ. Bốn em ra sau to đùng đùng trong khi 2 thằng anh hàng dưới càng ngày càng teo tóp lại, mòn vẹt đi, vàng xỉn, bé tí teo như 2 hạt gạo nếp. Mất cân đối quá chừng.

Lúc 4 thằng em ra đời ai cũng mừng thầm cho rằng đây sẽ là cuộc tổng tấn công và nổi dậy của đàn em, thể nào rồi từng tháng từng tháng nó cũng lên hết cho mà xem. Thế mà không, sáu anh em nhà răng cùng nhau lớn lên mà không chịu kết nạp thêm một người em nào nữa.
Mẹ buồn lắm. Ngày nào cũng khám miệng, ngày nào cũng than thở. Khám chán rồi mẹ cũng ứ thèm quan tâm luôn.


Mãi cho đến tuần trước thì mẹ mới giật mình phát hiện ra 2 chú em nữa đang chui lên. Mừng quá, cứ bắt mình nhe răng hoài để kiểm tra. Thôi chết rồi, tại sao lại là làm trên, theo lẽ thường 2 cái tiếp theo phải là hàm dưới chứ. Mà sao lại lộn xộn thế kia, sao không đứng vào hàng ngũ gì cả, sao lại nhọn hoắt như răng chuột thế này... Giời ạ, mẹ cứ liên hồi rú réo vừa gọi bà cô và ba vào xem của lạ của mình. Tiêu rồi, mọc răng lòi xỉ giống ba rồi (ba cười sảng khoái). Cười cái gì mà cười, ai đời răng sữa mà mọc lòi xỉ, chỉ khi nào thay răng cái trước chưa rụng, cái sau vội mọc nó mới lòi xỉ chứ, chuyện thật ko tin được (mẹ tru tréo).


Gớm, có gì là lạ mà mẹ cứ cuống  quýt thế. Ấy là mẹ đang tập trung hàm trên mà không phát hiện cái sự lạ ở hàm dưới đấy thôi. Hai thằng nữa đang chui lên, nhưng bọn này nó cảm thấy xấu hổ với 2 ông anh cả hom hem nên chúng không dám đứng sát cạnh mà để chừa mỗi bên một chỗ trống to đùng như ai gõ phím space không cần thiết, đợi 2 đứa em sau điền vào chỗ trống. Mai mốt chúng lớn lên thì cái hàm dưới trông xấu phải biết.

Giời ạ, răng với chả cỏ...

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Thứ 2

Nếu thứ bảy là ngày mình thích nhất tuần thì thứ 2 là ngày mình chẳng bao giờ mong chờ nó đến. Ghét ghét lắm vì mình lại bắt đầu những ngày chờ đợi ba mẹ trong nhung nhớ...

Đầu tiền là ba. Ba nhẹ nhàng chui ra khỏi giường lúc mình đang ngủ nên mình chẳng biết gì, rồi ba thơm khẽ hai mẹ con và đi. Mình mơ màng không biết đã kịp mi gió tạm biệt ba chưa (lúc ấy mình còn đang phê tít).

Rồi đến tên béo thứ 2 là mẹ. Mẹ lén lút rút ti ra khỏi miệng mình, nhẹ nhẹ đắp thêm miếng chăn mỏng, kê cái 2 cái gối sát 2 bên giường, cẩn thận tém mùng thật chặt và nhanh nhanh chạy ra chợ. Đến 7h thì đánh thức mình dậy bằng những câu đe dọa "con không nhanh lên là không tạm biệt mẹ trước khi đi làm đấy nhé", "dậy đi chứ nắng chuẩn bị chạy ra khỏi nhà là con không phơi được đâu đấy nhé", "con nướng thế thì làm sao ăn sáng kịp"... Cứ vừa xếp mùng mền chăn chiếu mẹ vừa ra rả như thế. Mới sáng sớm mà đã như loa phóng thanh rồi. Mình lồm cồm bò dậy thì đã thấy mẹ quần áo chỉnh tề. Thôi chết rồi, chỉ còn 25 phút quấn quýt cùng mẹ với màn chà 6 cái răng, rơ cái lưỡi, rửa cái mặt, thay cái bỉm, rửa cái trym,... (tất cả thực hiện tại phòng ăn, gần cửa sổ để tranh thủ nắng ban mai) là mình phải chia tay mẹ những 11-12 tiếng đồng hồ... Mẹ mẹ mẹ ... mình òa lên tấm tức. Hic hic. Biết rồi, thế là mẹ lại đi, đi đến tối mịt mù với về. mà cả tuần ngày nào cũng đi như vậy.. Mẹ lại bỏ mình ở nhà thui thủi một mình... Mình khuân hết đám đồ chơi ra chơi, chán lại bỏ vào thùng, chán rồi lại bật tivi, hát hổng một mình, nói chuyện một mình và thấy ngày sao dài quá vậy.
đua xe tí

Photobucket

Thỉnh thoảng lừa lừa lúc bà cô đang nấu ăn mình bay ra ngoài sân mở nước giặt đồ cho ướt sạch quần áo luôn, hay chạy ra ngoài ngõ lượm lá cây

Photobucket

Đến chiều mình ngồi vào cái chuồng chó của mình (chỗ bậc cầu thang) và nhìn ra ngoài sân đăm đắm chờ ba mẹ về... Mình lắng nghe từng tiếng xe máy dừng trước cổng và nhận diện. Chờ đợi và chờ đợi.
Nhìn mình buồn như con chó đây nè.

Photobucket

Đợi lâu mệt quá nằm gục xuống luôn

Photobucket

Và đây là vũ điệu vui mừng khi ba mẹ về


Photobucket


Photobucket

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Mẹ ơi, con ghét đi học

Trẻ con một khi đã thích trường học thì chúng sẽ tập trung vào việc học và đạt kết quả tốt. Thế nhưng nếu vào một ngày đẹp trời, con của bạn đột ngột "tuyên bố":"Đi học chán lắm!" hay tệ hơn thế là "Con ghét đến trường" thì bạn nên xử trí thế nào?

Kết quả học tập của con bạn không tốt là do bé không hề có hứng thú, cũng có thể là vì bé chưa học đúng sức mình. Đã bao giờ bạn để ý rằng việc ghi nhớ đối với trẻ này là dễ dàng nhưng lại rất khó khăn đối với một trẻ khác? Một ví dụ cụ thể là con gái bạn có thể hình dung bản đồ địa lý trong đầu sau khi nhìn bằng mắt, trong khi con trai bạn lại cắn đầu bút chì không dứt, khó có thể ngồi yên và tập trung.











Làm thế nào để kích thích sự ham học của trẻ.


Bé học theo cách nào?


Một số trẻ học bằng thị giác. Khi nhìn thấy thứ gì đó mới lạ, chúng dễ dàng ghi nhớ vào đầu. Những trẻ này tập trung và học tốt nhất nếu chúng được nhìn những hình ảnh nhiều màu sắc, vẽ, đọc truyện…những thứ kích thích thị giác.


Nhóm trẻ khác lại thích học bằng cách nghe và nói. Các bé phải được nghe và nhắc lại thông tin mới có thể ghi nhớ được. Bé thích mấp máy môi nhẩm lại điều được học. Các bé cần tập nói với một người bạn, phát âm thành tiếng, tham gia vào nhóm thảo luận nhỏ…


Có những trẻ lại chỉ thích được thực hành trong suốt qúa trình học. Vì vậy mà những bài toán, thí nghiệm, game, ghép mô hình hay những vở kịch ngắn lại trở nên hấp dẫn với trẻ. Ngược lại, ngồi trên ghế để học theo lối thị giác hay thính giác lại trở thành cực hình.


Không may rằng khi bậc cha mẹ thấy trẻ như vậy lại nghĩ rằng con mình quá hiếu động và tìm cách ngăn cấm. Nếu bạn giúp con mình tìm hiểu và khám phá cách học phù hợp, chắc chắn bé sẽ thành công trong lớp học. Việc học nhờ vậy mà trở nên nhẹ nhàng hơn, bé ghi nhớ nhanh hơn và nhớ được lâu. Và bé sẽ không còn cảm thấy ghét đi học nữa.


Môi trường học tập giúp bé yêu thích việc học


Để giúp con bạn bộc lộ được khả năng học tập tốt nhất, điều quan trọng là cần xem môi trường học tập như thế nào là phù hợp với bé nhất.

Thời gian
: Con bạn càng lớn thì thời điểm phù hợp cho việc học cũng dần thay đổi, đó là lí do bạn thường xuyên để ý xem những bài tập về nhà của con được hoàn thành vào sau bữa tối hay ngay bữa sáng. Hãy sắp xếp thời gian của con sao cho các bé làm những bài tập khó nhất vào lúc chúng cảm thấy thích học nhất, còn bài dễ hơn thì "để dành" khi cảm hứng đã vơi đi.











 Nguồn: Images.


Đồ ăn vặt
: Hãy thử con bạn bằng cách đưa cho bé đồ uống hay bánh snack một vài lần rồi ngưng. So sánh qua những lần như vậy sẽ giúp bạn biết được thức ăn vặt sẽ là động lực hay trở ngại đối với con bạn. Tuy nhiên, với con trẻ, một thỏi sô-cô-la tuyệt hảo cũng là cách khuyến khích đấy!


Ánh sáng: Có trẻ thích học ở nơi sáng đèn và đồng thời cũng có những trẻ không thích ánh sáng trực tiếp chiếu vào nơi mình học. Vậy sao bạn không hỏi trong hai cách, bé chọn cách nào?


Bàn học và sàn nhà: Bạn có thấy thắc mắc khi con gái bạn có thể ngồi khoanh chân trên sàn nhà trong lúc bé trai lại thích ngồi vào bàn hàng tiếng đồng hồ? Cho dù cả hai vị trí này khiến bạn thấy không thoải mái thì không có nghĩa là trẻ cũng thấy khó chịu. Ngay cả việc tựa tay trên một chiếc ghế cũng có thể giúp bé có thành tích tuyệt vời nếu điều đó giúp con bạn tập trung thật tốt.

Hãy là người mẹ thấu hiểu
: Hãy là một nhà thám tử tài ba để khám phá tính cách của con mình và xác định đâu sẽ là môi trường học tập tốt nhất cho bé. khi biết cách tập trung vào khả năng học tập của con, bạn sẽ giúp con trẻ trở thành những con người tài giỏi và có ích cho xã hội. Và trên tất cả, đây chính là nghĩa vụ thiêng liêng của bậc làm cha làm mẹ.







Ngô Hòa/Sức Sống Mới